Cốc cốc sẵn sàng cạnh tranh với Google sau khi “Luật an ninh mạng” được thông qua


Sau khi “Luật an ninh mạng” được thông qua ngày 12/6/2018 khá nhiều ý kiến cho rằng Facebook, Google sẽ rút khỏi thị trường. Đúng lúc này trình duyệt Cốc Cốc cũng tự tin lên tiếng sẵn sàng cạnh tranh với Google tại thị trường Việt. Liệu với dự luật mới này Cốc Cốc có được lợi thế gì? Hãy cùng xem liệu trình duyệt Cốc Cốc đã chuẩn bị những gì cho cuộc chạy đua sắp tới. 

"Chúng tôi cạnh tranh với Google"

Đó là một trong những phản hồi mà Moed nhận được từ Lavrenko, cho thấy sự tự tin của Cốc Cốc trong việc cạnh tranh với trình duyệt của một trong những hãng công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay.
Cốc Cốc (“Knock Knock” trong tiếng Anh) không hoạt động (và phát triển) ở bất kỳ trung tâm khởi nghiệp công nghệ được quốc tế công nhận nào, mà ở ngay Thủ đô Hà Nội. Không chỉ có trụ sở tại Việt Nam, công ty còn dựa trên nền tảng là những yếu tố thuộc về Việt Nam.
Câu chuyện của Cốc Cốc bắt đầu tại Moscow, Nga vào năm 2010, nơi Lavrenko hợp tác với ba lập trình viên Việt Nam theo học tại Đại học Quốc gia Moskva để xây dựng nigma.ru, một công cụ tìm kiếm cung cấp câu trả lời trực tiếp thay vì kết quả trang web cho các truy vấn của người dùng.
Dự án gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ mối quan hệ của Victor, nó đã được các nhà đầu tư để mắt đến. Và rồi sau đó, như chúng ta đã biết, Cốc Cốc đã trở thành trình duyệt và công cụ tìm kiếm của Việt Nam, còn Lavrenko chuyển đến mảnh đất hình chữ S ngay sau khi công ty được thành lập và bắt đầu quá trình xây dựng Cốc Cốc.

Bí quyết thành công: Phát triển nhờ chú trọng yếu tố bản địa


Thành công của Cốc Cốc gắn liền với khả năng hiểu và phản ánh phong cách cũng như sở thích của người dân thông qua công nghệ. Đến hiện tại, Cốc Cốc đã trở thành trang web hàng đầu tại Việt Nam vào tháng 6/2018 theo thống kê từ Alexa và ghi nhận 24 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Khi Cốc Cốc chính thức ra mắt vào năm 2013, nó nhanh chóng thiết lập cơ sở người dùng trung thành vì cung cấp trải nghiệm độc đáo và có giá trị cao, chẳng hạn như truy cập dễ dàng và nhất quán vào Facebook.
Ở thời điểm đó, Cốc Cốc là trình duyệt duy nhất tại Việt Nam cung cấp kết nối liền mạch và nhanh chóng đến trang mạng xã hội. Sau này, đã có những trình duyệt khác làm được điều tương tự, nhưng Cốc Cốc vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ tính năng chú trọng địa phương rất đặc biệt. Họ xem xét các quy ước ngôn ngữ Việt Nam và tập trung vào các kết quả có liên quan tại địa phương.
Trong tiếng Việt, các từ có cùng cách đánh vần có thể mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau tùy thuộc vào việc đặt dấu trọng âm và nhấn mạnh các âm tiết. Cốc Cốc phát hiện và tự động hoàn thành các điểm nhấn này, đồng thời cung cấp công cụ kiểm tra chính tả tiếng Việt và từ điển tiếng Việt / tiếng Anh.
Chúng không chỉ ảnh hưởng đến cách người dùng Việt Nam trò chuyện, tương tác với nhau mà còn cả hành vi duyệt web / tìm kiếm của họ. Ví dụ, vì người Việt xem nhiều video trực tuyến nhưng tốc độ internet còn chậm, Cốc Cốc luôn ưu tiên tăng tốc độ tải xuống và cung cấp sẵn các tùy chọn, chẳng hạn như tải video xuống dưới dạng tệp mp3 trong trình duyệt.

Kết hợp giữa thủ công và máy móc – công nghệ

Các tính năng trên là lý do chính khiến hàng triệu người dùng internet tại Việt Nam chọn Cốc Cốc thay vì Firefox hoặc Safari, bao gồm gần 2 triệu người dùng mới hoạt động hàng tháng được thêm vào trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, công ty vẫn còn phải đi một chặng đường dài để bắt kịp đối thủ cạnh tranh chính và duy nhất: Google. Trong tháng 4/2018, Chrome của Google chiếm 60% thị phần trình duyệt máy tính để bàn ở Việt Nam, còn thị phần của Cốc Cốc chỉ là 25%.
Có thể nói, Google chưa thực sự chú trọng các hoạt động tại Việt Nam, qua đó để mở cánh cửa cho Cốc Cốc tiếp tục tăng trưởng. Minh chứng: Google chưa tích cực đầu tư vào việc tạo ra công nghệ bền vững, thậm chí là vẫn chưa mở văn phòng đại diện.
Do Cốc Cốc gần như không có nguồn lực hay quy mô lớn như Google nên 14 triệu USD thu về từ vòng gọi vốn gần đây nhất trong năm 2015 là số tiền ấn tượng cho một startup Việt Nam, giúp họ có thể phát triển nền tảng hiệu quả hơn.
Lavrenko chia sẻ, ông và đội ngũ Cốc Cốc hiểu rằng, với chi phí lao động cực kỳ thấp ở Việt Nam, đôi khi thuê người hoàn thành công việc một cách thủ công sẽ tốt hơn là đầu tư vào trí thông minh nhân tạo hoặc các giải pháp tự động đắt đỏ.
Cụ thể, trong khi Google trả hơn 1 tỷ USD cho ứng dụng bản đồ và điều hướng Waze vào năm 2013 để tăng cường công nghệ cho bản đồ Maps vốn đã vô cùng phức tạp, Cốc Cốc cho người lái xe đi xe vòng quanh Việt Nam chụp ảnh các địa điểm cá nhân và ghi lại thông tin.

Bản đồ Cốc Cốc

Cách tiếp cận thủ công này giúp tiết kiệm chi phí khi lập bản đồ Việt Nam, lại tạo ra dữ liệu cực kỳ chính xác, vì họ có thể nắm bắt một số thông tin chi tiết về những địa điểm ít được chú ý. Chính vì vậy, ứng dụng Bản đồ của Cốc Cốc là giải pháp thay thế hữu hiệu cho Google Maps - vốn thường không hoạt động ổn định và chính xác ở nước ta, nơi có rất nhiều “hang cùng, ngõ hẻm” ngoằn nghèo.
Một ví dụ khác về cách tiếp cận tập trung vào con người của Cốc Cốc là quảng cáo trong trình duyệt. Mỗi quảng cáo được hiển thị đi kèm với biểu tượng điện thoại mà người dùng có thể nhấp vào để bắt đầu cuộc trò chuyện trực tiếp với đại diện từ công ty được nêu trong quảng cáo.
Moed quan sát thử nghiệm mà Melentieva thực hiện: Chỉ trong vòng 26 giây, một đại diện bán hàng từ công ty đã gọi để quảng cáo sản phẩm / dịch vụ của họ và sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Anh nhận thấy quá trình này rất hợp lý và đạt hiệu quả ấn tượng. Xét cho cùng, người tiêu dùng không cần phải quá nỗ lực để theo dõi thông tin về một sản phẩm. Đó là công việc của người bán.

Con đường phía trước

Thành công lâu dài của Cốc Cốc phụ thuộc vào khả năng kiếm tiền hiệu quả từ trải nghiệm bản địa hóa. Lợi thế của công ty nằm ở kiến thức về thị trường và các mối quan hệ trong nước, đáng chú ý nhất là mối quan hệ với chính phủ Việt Nam vốn thường giám sát chặt chẽ nội dung trực tuyến.
Một dấu hiệu tích cực cho thấy họ sẵn sàng đối mặt với thách thức là chiến lược tập trung vào thương mại điện tử, bao gồm cả việc phát triển công cụ so sánh giá trong trình duyệt cũng như khả năng quảng cáo.
Mặt khác, kinh nghiệm xây dựng công cụ tìm kiếm dựa trên AI mà Lavrenko (và phần lớn đội ngũ quản lý Cốc Cốc) đã tích lũy trước kia sẽ trở thành tài sản quý giá khi ngành công nghiệp tìm kiếm chuyển sang sử dụng trí thông minh nhân tạo. Tuy nhiên, chính sách internet luôn thay đổi ở Việt Nam sẽ là mối đe dọa thường trực đối với mọi dự án.
Cho đến hiện tại, các sản phẩm của Cốc Cốc đã phát triển rất ấn tượng, nhưng nếu họ chứng minh mô hình "siêu địa phương" có thể sinh lợi nhuận cao, Google sẽ tìm thấy một lý do chính đáng để đẩy mạnh thực hiện điều tương tự, và khi đó những thử thách mới dành cho Cốc Cốc sẽ xuất hiện.